Sản phẩm nổi bật

Máy lọc nước bể cá là gì? Và máy lọc nước bể cá có những loại nào?

Với những người có sở thích nuôi bể cá thủy sinh hay nuôi bể cá trong nhà thì việc lựa chọn một hệ thống máy lọc bể cá là cực kì quan trọng. Để bể cá của bạn luôn đảm bảo sạch đẹp và các sinh vật, thủy sinh có thể sống tốt thì hệ thống lọc là vô cùng quan trọng. Vì vậy hãy chọn một bộ lọc bể cá phù hợp. Vậy có những loại bộ lọc bể cá nào?

Máy lọc nước bể cá là gì?

Máy lọc bể cá còn có nhiều tên gọi khác như: bộ lọc bể cá, bộ lọc nước bể cá, máy bơm lọc nước, máy bơm lọc bể cá, máy lọc nước bể cá. Nó chính là thiết bị có chức năng lọc làm sạch nước trong bể cá hay bể thủy sinh nhờ vào các lớp lọc được trang bị trong bộ lọc. Máy lọc bể cá giúp xử lý sạch các chất thải, chất độc và khí độc trôi lơ lửng trong nước làm cho hồ cá được trong sạch, giàu oxy giúp các sinh vật trong hồ sống khỏe mạnh hơn.

Cấu tạo thông thường của một máy lọc có 3 lớp lọc đó là: lớp lọc cơ học, lớp lọc hóa học, và lớp lọc sinh học.


- Lớp lọc cơ học (lọc thô) là nơi xảy ra quá trình bắt lấy các hạt, chất bẩn li ti lơ lửng trong nước nhờ vào các vật liệu lọc ví dụ như bông lọc.

- Lớp lọc hóa học (lọc hóa chất) là nơi xảy quá trình xử lý các hóa chất độc hại có trong nước nhờ vào các vật liệu lọc như gốm lọc, than hoạt tính (carbon), san hô vụn.. Lớp lọc hóa học có mục đích chính là hấp thu các chất dinh dưỡng thừa hoặc các hóa chất từ bể nuôi.

- Lớp lọc sinh học (lọc vi sinh) là nơi xảy ra sự phân hủy của vi khuẩn khác nhau. Được gọi là chu kỳ nitơ hóa nơi mà các chất thải, thức ăn thừa, và nấm bị phá vỡ tạo ra Amoniac. Amoniac là chất độc có ảnh hưởng xấu cho các sinh vật trong hồ cá cảnh, nếu có đủ không gian cho các vi khuẩn có lợi phát triển, chu kỳ nitơ hóa sẽ tiếp tục làm việc giúp khử Nitrat cho hồ cá (chuyển hóa từ NH3/Amoniac -> NO2/Nitrit -> NO3/Nitrat -> N2/Nitơ bay lên). Một bộ lọc sinh học tốt là bộ lọc cung cấp đủ oxy và có không gian cho các vi khuẩn phát triển.

Các loại máy lọc bể cá

1. Lọc mút (Sponge Filter)

Lọc mút là loại lọc khá đơn giản, sử dụng để hút những chất bẩn trôi lơ lửng trong nước giúp làm nước trong. Thiết kế đơn giản gọn nhẹ, có thể tự chế, đặt trực tiếp vào trong hồ cá và có một ống khí của máy sục khí (máy sủi oxy) thông ra ngoài. Chúng được làm ra chủ yếu là để sử dụng cho bể cá làm giống, bể ươm cá bột (cá con), bể chữa bệnh cho cá hoặc bể nuôi các loại cá nhỏ, động vật không xương sống. Vì là lọc giá rẻ, nếu tài chính có hạn thì bạn có thể sử dụng cho tất cả các bể từ bể cá mini, bể tép cảnh tới bể thủy sinh lớn.


Nguyên tắc hoạt động:

Máy lọc mút hoạt động dựa trên máy sục khí và chỉ có 2 lớp lọc.

- Lớp lọc thứ 1: Lọc cơ học xảy ra đầu tiên, máy sục khí tạo ra các bóng khí từ bên dưới đi lên kéo theo dòng nước, nước buộc phải chạy qua lớp xốp lọc ngăn cách với lõi lọc, khi đó các chất bẩn trong nước được giữ lại ở lớp xốp.

- Lớp lọc thứ 2: Quá trình lọc sinh học xảy ra trên lớp xốp này nhờ vi các vi khuẩn có lợi sống trên đó.

2. Lọc thác treo (Hang On Back Filter)

Lọc thác treo là loại máy lọc giúp làm sạch nước hồ cá theo mô hình hút nhả dạng thác nước, được sử dụng phổ biến nhất vì nó trang bị hệ thống lọc cơ học, hóa học và sinh học tiêu chuẩn. Nó còn có mẫu mã đẹp, dễ sử dụng và lắp đặt vào bể cá. Máy lọc được treo trực tiếp vào thành của mặt sau hoặc mặt bên của bể cá và hút nước từ hồ lên qua ống siphon.


Nguyên tắc hoạt động:

Nước được hút từ hồ qua ống siphon và đưa vào máy lọc.

- Lớp lọc thứ 1: Quá trình lọc cơ học xảy ra khi nước đi qua nệm lọc hoặc thiết bị lọc, các chất bẩn trong nước được giữ lại tại đây.

- Lớp lọc thứ 2: Lọc hóa học tiếp tục xảy ra khi nước chảy qua lớp carbon được sử dụng để loại bỏ độc tố và chất hóa học có trong nước.

- Lớp lọc thứ 3: Cuối cùng lọc sinh học xảy ra bên trong lớp vi sinh. Một số lượng lớn các vi khuẩn có lợi hình thành trong các lớp vi sinh và đây là nhân tố tạo ra lọc sinh học, chúng khử các khí độc có trong nước.

Nước đi ra chảy vào bể như một thác nước nhỏ, vì vậy lọc mới có tên gọi là lọc thác.

Hầu hết các hệ thống mới trang bị bánh xe vi sinh hoặc miếng lọc vi sinh. Bánh xe vi sinh là bánh xe có một bộ lọc vi sinh đi kèm.

Xem thêm: Máy sục khí bể cá cảnh


3. Lọc thùng (Canister Filter)

Lọc thùng là một loại máy lọc có dạng thùng kín đặt ngoài hồ, giúp lọc sạch nước và chất độc trong hồ. Máy lọc thùng tạo ra dòng chảy tốt cho bể và có thể loại bỏ bụi và chất bẩn dưới đáy bể. Đây là loại máy lọc được người chơi thủy sinh ưu chuộng nhất, đặc biệt sử dụng cho hồ thủy sinh từ 150 lít trở lên. Phù hợp cho tất cả các mục đích từ nuôi cá cảnh nước ngọt đến cá cảnh biển.

Máy lọc thùng cung cấp cơ chế lọc cơ học, hóa học và lọc sinh học tối ưu nhất nhờ kích thước lớn hơn đáng kể so với loại máy lọc thác treo. Các thiết bị lọc cũng lớn nên có thể xử lý được khối lượng nước lớn hơn trong thời gian ngắn.


Nguyên tắc hoạt động:

Máy lọc thùng có 2 đường ống nước đi ra và đi vào. Nước được hút từ ống siphon đi vào thùng lọc và đi xuống đáy sau đó đi lên qua các thiết bị lọc và được hút ra ngoài thông qua một đường ống khác để đưa nước quay trở lại hồ.

- Lớp lọc thứ 1: Lọc cơ học xảy ra khi áp lực nước tăng buộc nước đi qua các vật liệu lọc, các chất bẩn cùng những hạt nhỏ li ti trong nước được bẫy lại tại đây.

- Lớp lọc thứ 2: Lọc hóa học được thực hiện khi nước đi qua các vật liệu lọc hóa học bằng carbon, nhờ trang bị vật liệu lọc tốt nên lọc thùng cung cấp cơ chế lọc hóa học tốt hơn các loại lọc khác.

- Lớp lọc thứ 3: Lọc sinh học xảy ra ở giai đoạn cuối khi nước đi qua lớp lọc vi sinh để vi khuẩn hấp thụ và chuyển hóa các chất khí độc hại còn lại trong nước.

4. Lọc đáy (Undergravel Filter)

Lọc đáy là máy lọc nằm bên dưới đáy hồ, kéo nước đi qua qua lớp sỏi/chất lót nền để lọc sạch nước. Phù hợp sử dụng cho các bể cá mini, không dùng cho bể thủy sinh vì lớp phân nền sẽ bị hút vào máy lọc.

Quy trình hoạt động của bộ lọc đáy

Nguyên tắc hoạt động của một bộ máy lọc đáy chính là nước được hút vào máy lọc qua lớp nền sau đó đi lên các ống nước để trở lại bể. Có hai cách để bạn có thể lấy nước lên đó là sử dụng một máy sục khí và cục sủi hoặc một máy bơm gán ngoài để hút nước.

- Lớp lọc thứ 1: Lọc cơ học sẽ xảy ra khi nước đi qua sỏi lọc giữ lại cặn bã và các hạt li ti trong nước.

- Lớp lọc thứ 2: Lọc sinh học xảy ra ở lớp sỏi lọc. Nhược điểm là lọc sinh học xảy ra rất giới hạn vì dưới đáy không tiếp xúc với khí oxy nhiều như nước trên bề mặt làm vi khuẩn không thể hoạt động mạnh.

5. Lọc trong bể(Internal Filter)

Lọc trong bể cá là loại máy lọc nước được đặt vào bên trong, hoàn toàn ngập dưới nước hồ.

Máy lọc này khá nhỏ gọn, thiết kế đơn giản hiện đại, phù hợp cho những bể nhỏ, bể cá mini. Hầu hết mọi người sử dụng máy lọc này cho hồ dưới 75 lít, được dính vào một bên mặt kính của hồ cá như lọc thác treo.

 
Một số người khác có sở thích đặt máy lọc ở dưới cùng của hồ cá để bụi bẩn bị hút vào bộ lọc, không đủ thời gian lắng xuống.

Vài máy lọc trong hồ có gán thêm một máy sục khí để làm nước trào lên thông qua bộ lọc giúp cơ chế lọc sinh học được tốt hơn nhờ có thêm oxy cho vi sinh hoạt động.

6. Lọc tràn (Overflow Filter)

Lọc tràn là hệ thống lọc nước được gắn cố định bên trong hồ. Thông thường người ta thường làm thêm một ngăn bên hông hồ hoặc phía sau lưng hồ để sử dụng làm ngăn lọc.

Nguyên tắc hoạt động của lọc tràn:

Khi máy bơm bắt đầu hoạt động, nước sẽ chảy từ lọc ra bể qua lỗ thoát nước, lúc này sẽ tạo ra áp lực nước hút nước từ bên ngoài quay trở lại lọc qua lỗ hút nước. Nước tiếp tục tràn vào lược lọc của hộp lọc, đây là nơi chứa các vật liệu lọc như bông lọc, gốm lọc, than hoạt tính và san hô vụn. Các quá trình lọc cơ học giữ chất bẩn, lọc hóa học khử chất độc và lọc sinh học khử khí độc sẽ diễn ra tại đây. Sau đó nước tiếp tục chảy qua ngăn nước sạch và được bơm trở lại hồ. Quá trình sẽ lặp đi lặp lại và lọc sạch nước hồ.

Nếu thiết kế bên trong hồ sẽ phù hợp cho bể thủy sinh có chân đựng và nắp che phía trên. Nếu thiết kế sau lưng bể thì sẽ tạo không gian sống rộng hơn cho hệ sinh thái bên trong bể.